Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương và được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đề án tại Quyết định số 1906/QĐ - BGTVT ngày 20/5/2014, trong đó dự kiến hoàn thành xây dựng 186 cầu treo trong thời gian 09 tháng kể từ ngày các thủ tục triển khai Đề án được hoàn tất.
Để triển khai thực hiện Đề án, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BGTVT ngày 29/4/2014 về “Hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh” và Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT ngày 29/4/2014 về "Hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn” để thống nhất quản lý công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu cũng như quản lý vận hành, khai thác cầu treo. Bộ cũng đồng thời cho lập và công bố thiết kế mẫu cầu treo có khẩu độ từ 40 mét đến 120 mét; khổ cầu 1,5 mét và 2,0 mét tại Quyết định số 2590/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2014 làm cơ sở để áp dụng cho thiết kế và thi công đại trà.
Trong tháng 7/2014, Bộ GTVT đã tổ chức làm việc với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được ứng vốn năm 2015 để triển khai thi công ngay 186 cầu treo dân sinh trong năm 2014.
Mặt khác, do tính cấp bách của Đề án, Bộ GTVT đã lựa chọn các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm để triển khai dự án, cụ thể: Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là đơn vị khảo sát thiết kế; Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị thẩm tra thiết kế và giám sát thi công, các công ty cơ khí có năng lực tài chính và thi công như: Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, Công ty Cổ phần Cơ khí 30-4, Công ty Cổ phần Xây dựng Hồng Nam, Công ty Cổ phần Xây dựng 465. Tính đến ngày 14/7/2014 đã tiến hành khảo sát, thiết kế và phê duyệt xong báo cáo kinh tế kỹ thuật của 83 cầu treo.
Trong tháng 7/2014 đã có 04 cầu treo được khởi công triển khai xây dựng là cầu Bản Côm thuộc tỉnh Yên Bái, cầu Nam Công thuộc tỉnh Hà Nam, cầu Bản Diềm thuộc tỉnh Nghệ An và cầu Chợ Mới thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Ngay sau lễ khởi công, nhà thầu đang gấp rút thực hiện lập Biện pháp tổ chức thi công, đúc cọc bê tông cốt thép, chuẩn bị vật tư thiết bị để gia công cấu kiện phần trên của cầu tại xưởng trước khi lắp đặt hoàn chỉnh tại hiện trường; chính quyền địa phương đồng thời đang khẩn trương thực hiện công tác GPMB, rà phá bom mìn vật nổ để có mặt bằng sạch đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình thi công.
Do đặc thù của Đề án xây dựng công trình trên địa bàn rộng lớn bao gồm 28 tỉnh thành, vị trí xây dựng các cầu lại ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, heo hút, nhiều nơi xe ô tô không đến được nên rất khó khăn khi triển khai từ khâu khảo sát thiết kế đến triển khai thi công.
Với quyết tâm của Bộ GTVT và được sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trên các địa bàn, trong năm 2014 sẽ phấn đấu hoàn thành 83 cây cầu đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Các cầu còn lại sẽ được lần lượt hoàn thành trong Quý 1 và đầu Quý 2 năm 2015.
Bộ GTVT xin được thông tin và mong muốn các Bộ ngành, chính quyền các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục ủng hộ và tuyên truyền về Đề án.
Bộ Giao thông vận tải
Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2014
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện