Dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, thay đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, TP.HCM hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ùn tắc giao thông và ngập úng ngày càng gia tăng vào mỗi mùa mưa.
Chỉ tính riêng tình trạng ngập úng, đã xây ra nhiều xáo trộn cho cuộc sống người dân và gây ra một thiệt hại không nhỏ về kinh tế - xã hội. Con số này ước tính tương đương 238 triệu USD trong năm 2014 và có thể lên đến 97 tỷ USD trong giai đoạn 2015 – 2045.
Nhằm góp phần giải quyết thực trạng trên, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, Sở KHCN TP.HCM vừa phối hợp cùng Trung tâm SMART Infrastructure Facility (thuộc trường ĐH Wollongong, Úc) đã tổ chức buổi Hội thảo giới thiệu Dự án “Nghiên cứu về chống ngập ở đô thị” dựa trên nền tảng hệ thống CogniCity.
Dự án sẽ tập trung khai thác, xử lý thông tin và vị trí địa lý từ thông tin trên mạng xã hội của người tham gia giao thông của người dân trong khu vực ngập úng. Qua đó, tăng cường khả năng ứng phó của hệ thống giao thông đường bộ trong các tình huống ngập đường.
Theo TS. Tomas Holderness, Trường ĐH Wollongong, phần mềm tự do nguồn mở CogniCity là một hệ thống mở được thiết kế với mục tiêu thu thập và phân tích dữ liệu đô thị. Mục đích ban đầu của phần mềm này là nghiên cứu và phát triển khả năng ứng phó đối với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.
Đồng thời, CogniCity còn được sử dụng để nghiên cứu các mô hình và khả năng ứng phó thực tế của người dùng. Cho phép chia sẻ thông tin hiệu quả hơn giữa người dân và các cơ quan, kể cả cơ quan Chính phủ và phi Chính phủ.
CogniCity được xây dựng trên cơ sở lý thuyết hệ thống thông tin địa lý (GIS), thu thập báo cáo của công dân từ mạng xã hội Twitter và hiển thị trên hệ bản đồ thông tin địa lý. Tuy nhiên, CogniCity mở rộng mô hình GIS truyền thống, tạo thuận lợi cho người dùng gửi báo cáo bằng cách gửi “lời mời” cho những người dùng mạng xã hội, với khu vực địa lý xác định trong phạm vi đô thị, sử dụng các từ khóa nhất định như ‘ngập lụt”, “kẹt xe”...
Các báo cáo sẽ được tập trung tại 1 cơ sở dữ liệu không gian địa lý, sau đó dữ liệu được gửi đến ứng dụng bản đồ ở tiết bị của người dùng để hiển thị tính hình giao thông và ngập lụt trên toàn TP theo thời gian thực.
Ngoài ra, một thuật toán định tuyến giao thông có thể được tích hợp và gửi đến cho người dùng để đề xuất các tuyến đường thay thế xung quanh khu vực giao thông bị ùn tắc do ngập đường.
Về giao diện, người dùng có thể sử dụng toàn bộ hệ thống này thông qua một ứng dụng di động nền website và một bản đồ công cộng trên web.
Với CogniCity, người dân có thể cung cấp thông tin
về vị trí ngập lụt, kẹt xe để có phương án phòng chống hiệu quả
Ông Huỳnh Nam, một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu của Trung tâm SMART cho biết, đến thời điểm hiện nay, CogniCty là phần mềm duy nhất được phát triển và thử nghiệm phương pháp khai thác thông tin và vị trí địa lý từ mạng xã hội, hướng tới việc thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu trong đô thị. Ngoài phạm vi là một phần mềm quản lý chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, CogniCity cũng có tiềm năng được phát triển thành nhiều ứng dụng khác trong quản lý xã hội như: quản lý chất thải, quản lý rủi ro liên quan đến thời tiết, quản lý tội phạm.... theo hình thức Nhà nước – nhân dân cùng quản lý với khả năng chuyển đổi linh hoạt, cũng như khả năng quản lý dữ liệu địa lý và ngôn ngữ đa dạng.
Chia sẻ tại buổi Hội thảo, ông Đỗ Tấn Long, Trung tâm chống ngập TP.HCM cho rằng, hiện nay, chúng ta đã có những hệ thống camera theo dõi lắp đặt trên hàng trăm tuyến đường của TP.
Do đó, để tránh lãng phí và chồng chéo, trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, hệ thống mới này cần tích hợp thêm nhiều tiện ích để người dân có thể lựa chọn. Trong đó, cần tập trung mạnh vào vấn đề cảnh báo sớm cho người dân. “Ví dụ, trong ngày, chúng ta có thể đưa ra dự báo khu vực nào đó có mưa hay không, mưa trong khoảng thời gian nào, với lượng mưa đó thì sẽ ngập bao nhiêu và trong bao lâu sẽ rút hết..., đó chính là những cái mà người dân mong muốn”.
Bên cạnh việc cảnh báo giao thông và ngập lụt, ông Long cho rằng, hệ thống cần tích hợp, thu thập thêm những thông tin về an ninh trật tự, trộm cướp... Tất cả những thông tin này, có thể chuyển về một trung tâm phân tích chính để phân tích dữ liệu, sau đó chia về các đơn vị chức năng có liên quan để xử lý.
Tuy nhiên, theo ông Long, để liên kết được những thông tin này không phải là chuyện dẽ dàng, cần có sự phối hợp, hỗ trợ từ phía nhiều cơ quan ban ngành cũng như Chính phủ.
Trong khi đó, TS. Phạm Thị Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và giao thông, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, bên cạnh việc thu thập thông tin một cách đơn giản là bằng văn bản, chúng ta có thể phát triển một phần mềm để người dân có thể trực tiếp chụp ảnh hiện trường để gửi về. Có như vậy, dữ liệu phân tích mới mang tính chính xác cao, đảm bảo không có nguồn tin giả.
Được biết, từ nay đến tháng 12/2016, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán cùng Trung tâm SMART sẽ cùng nhau nghiên cứu để xây dựng lại hệ thống cho phù hợp với thực tiễn tại TP.HCM. Dự kiến đến tháng 3/2017, hệ thống sẽ đưa vào thử nghiệm tại một số nơi trên địa bàn TP.
Nguồn: Khampha.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện