Normal
0
false
false
false
EN-US
ZH-CN
X-NONE
MicrosoftInternetExplorer4
Cầu Sài Gòn 2 là dự án BT lần đầu tiên tổ chức đấu thầu mở. Việc làm này không những đưa đến cho các nhà đầu tư sự sáng tạo trong quá trình lập dự án mà đã tiết kiệm rất nhiều chi phí, rút ngắn tiến độ, làm lợi cho đất nước hàng trăm tỷ đồng.
Chỉ mất một tháng lập dự án đầu tư
Năm 2008, khi TP có chủ trương đầu tư dự án cầu Sài Gòn theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) đã có đơn vị đăng ký với tổng mức đầu tư trên 1.800 tỷ đồng. Do không thiết lập được trạm thu phí hoàn vốn nên Thành phố đã chuyển sang hình thức đầu tư BT (đầu tư - chuyển giao) thì có đến 3 nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Trước tình huống đó, TP đưa ra một phương án mở là tổ chức đấu thầu BT.
Theo ông Bùi Xuân Cường - Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM, đây là lần đầu tiên TP tổ chức đấu thầu một dự án thực hiện theo hình thức BT. “Việc đấu thầu hay tuyển chọn nhà đầu tư thông qua cạnh tranh sẽ tạo sân chơi công khai, minh bạch, sòng phẳng giữa các nhà đầu tư với nhau và giữa các nhà đầu tư với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc tuyển chọn nhà đầu tư thông qua cạnh tranh còn giúp cho cả Nhà nước, người dân và nhà đầu tư cùng có lợi khi lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất để công trình được xây dựng nhanh, bảo đảm chất lượng và mỹ quan, đưa vào sử dụng sớm với chi phí hợp lý nhất”, ông Cường nói.
Ông Dương Quang Châu - Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết, để thực hiện đấu thầu dự án cầu Sài Gòn 2, ngay từ đầu TP để cho các nhà đầu tư tính toán hết từ chi phí xây dựng, chi phí lãi vay, cạnh tranh về chất lượng, tiến độ… và phân điểm cho từng mục. Nhà đầu tư nào có điểm số tổng hợp tốt nhất như: Giá thấp nhất, tiến độ ngắn nhất, biện pháp tổ chức thi công và quản lý chất lượng xây dựng tốt nhất… sẽ được lựa chọn trúng thầu.
|
Lễ hợp long cầu Sài Gòn 2 |
Chính cách lựa chọn mở nên nhà đầu tư trúng thầu đã thỏa sức sáng tạo trong việc lập hồ sơ. Chẳng hạn, nếu với một công trình khác, nhà đầu tư phải mất từ 5 - 6 tháng để lập dự án đầu tư, thì CII chỉ mất một tháng để lập dự án đầu tư cho cầu Sài Gòn 2. “Nói như vậy không có nghĩa là CII lập dự án đầu tư trong một tháng. Mà để có kết quả đó, CII đã mất 4 tháng trước đó để khảo sát, lập dự án trước. Đến khi được trúng thầu thì CII chỉ còn hoàn chỉnh hồ sơ dự án và điểm số được tính cho thời gian lập dự án của CII là một tháng. Nhưng nếu CII không trúng thầu thì toàn bộ chi phí bỏ ra trước đó để khảo sát, nghiên cứu… phải chịu mất hoàn toàn”, ông Châu nói.
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng
Bất kỳ một dự án nào, khi chưa có số liệu khảo sát, thiết kế chi tiết thì phải dự trù kinh phí dự phòng khá lớn. Dự án cầu Sài Gòn 2 nhờ khảo sát và thiết kế trước mà nhà đầu tư đã chính xác hóa được các số liệu đầu vào, từ đó đưa ra giải pháp kết cấu, biện pháp thi công hợp lý và tiết kiệm nhất. Vì vậy, mức giá dự thầu mà CII đưa ra là thấp nhất so với các nhà đầu tư khác và so với phương án đầu tư ban đầu đã giảm hàng trăm tỷ đồng.
Song song với việc lập dự án, CII đã chuẩn bị tất cả từ: nguồn vốn, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng... Những nhà thầu được chọn chính là những nhà thầu đã theo cùng CII ngay từ việc khảo sát, nghiên cứu lập dự án và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Vì vậy khi ký hợp đồng BT với Thành phố xong, với hơn 20 gói thầu nhưng chỉ trong một tháng nhà đầu tư đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục và khởi công dự án. Thời gian thực hiện thiết kế và thi công ban đầu là 21 tháng nhưng đến thời điểm khánh thành đã rút ngắn xuống còn 18 tháng. “Chỉ tính riêng lãi suất vay thì trong 3 tháng rút ngắn tiến độ với tổng chi phí đầu tư trên 1.200 tỷ đồng thì cũng đã tiết kiệm thêm hàng chục tỷ đồng”, ông Châu nói.
Ông Bùi Thái Hà - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, một trong những nhà thầu thi công cầu Sài Gòn 2 cho biết, bất cứ một hạng mục nào sau khi nghiệm thu xong 3 ngày là nhà đầu tư thanh toán ngay. “Nhờ thanh toán nhanh mà chúng tôi có nguồn vốn quay vòng để triển khai các hạng mục khác và tiến độ được đẩy nhanh hơn”. Những kỹ sư giỏi nhất, những người thợ lành nghề nhất cũng đã được huy động đến công trường. Thời gian cao điểm, tập trung 12 dàn khoan nhồi, 20 cần cẩu, 10 hệ nổi sà lan… cùng một lúc làm cả dưới nước, trên bờ với 3 ca liên tục trong ngày.
Chất lượng công trình là yếu tố quan trọng nhất và được đặt lên hàng đầu. Tất cả các hạng mục đều được lập thiết kế về quản lý chất lượng. Vật tư phải được thí nghiệm để kiểm định trước khi sử dụng. Cán bộ, công nhân được đào tạo để am hiểu được công việc. Thiết bị máy móc được kiểm định để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Yếu tố mỹ thuật từ lan can, chiếu sáng, hình dáng trụ… cũng được chú trọng để tạo nên một cây cầu có mỹ quan đẹp, đồng bộ với cầu cũ.
Lãnh đạo thành phố, Sở GTVT và chính quyền địa phương quận Bình Thạnh, Quận 2 cũng rất sát sao, đồng hành cùng dự án. Từ khâu thẩm định dự án, đàm phán hợp đồng, bàn giao mặt bằng đều được lãnh đạo TP đôn đốc các đơn vị phối hợp với nhà đầu tư thực hiện nhanh. Sở GTVT lập một tổ kiểm tra giám sát dự án do Khu QLGTĐT số 2 thường trực kiểm tra từng hạng mục công trình, kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh ngay. Công tác đảm bảo an toàn lao động, ATGT cũng được quan tâm đặc biệt. Nhờ đó mà từ khi triển khai dự án đến nay, chưa hề xảy ra một tai nạn nào trong lao động cũng như về giao thông.
Ở góc độ xã hội, ai cũng có thể thấy được ý nghĩa của cầu Sài Gòn 2 đối với sự phát triển của TP HCM. Nhưng ở góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định: Dự án cầu Sài Gòn 2 đã đạt những cột mốc quan trọng về tiến độ, chất lượng, mỹ quan… Và quan trọng hơn đây là dự án BT lần đầu tiên tổ chức đấu thầu, không những đưa đến cho các nhà đầu tư sự sáng tạo trong quá trình lập và triển khai thực hiện dự án mà đã tiết kiệm rất nhiều chi phí, rút ngắn tiến độ, làm lợi cho đất nước hàng trăm tỷ đồng.
* Cầu Sài Gòn 2 nằm về phía hạ lưu và song song với cầu Sài Gòn hiện hữu. Khoảng cách giữa tim cầu Sài Gòn hiện hữu và tim cầu Sài Gòn là 26,6m. Cầu Sài Gòn 2 có tổng chiều dài 987,32m, gồm 30 nhịp. Kết cấu nhịp chính: Bố trí theo sơ đồ 5 nhịp chính liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, được thi công theo phương pháp phân khối đúc hẫng cân bằng. Mặt cắt ngang cầu 23,5m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn dành cho xe gắn máy. Tải trọng thiết kết: HL-93. Tĩnh không thông thuyền: BxH=80mx9m.
* Cầu Sài Gòn 2 là dự án công trình giao thông cấp I lần đầu tiên thực hiện kiểm tra điều kiện nghiệm thu theo Thông tư 10/2013/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng. Các cơ quan tổ chức thực hiện kiểm tra là Cục QLXD và CLCTGT - Bộ GTVT và Cục Giám định Nhà nước về chất lượng CTXD - Bộ Xây dựng đã đánh giá cao về chất lượng công trình và công tác quản lý chất lượng của nhà đầu tư.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn