Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng

Thứ bảy - 28/02/2015 12:00. Xem: 141
Chiều ngày 27/2, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp Ban Cán sự đảng Bộ GTVT tháng 2/2015 với nhiều nội dung quan trọng như đẩy nhanh tiến độ QL1, đường Hồ Chí Minh; phê duyệt danh mục cầu yếu dự kiến bổ sung vào Dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần 2; xây dựng Đề án chiến lược, văn bản QPPL...

 

Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp thường kỳ, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng

 

Hoàn thành xây dựng 100% văn bản QPPL

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga báo cáo kết quả xây dựng văn bản QPPL tháng 2, 2 tháng đầu năm, kế hoạch tháng 3 năm 2015.

Bà Nga cho biết, trong 2 tháng đầu năm, mặc dù trong tháng Tết nhưng các cơ quan đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và chủ trì tham mưu trình văn bản quy phạm pháp luật (Cục Hàng hải, Cục Đăng kiểm) đã cố gắng hoàn thành theo đúng kế hoạch được giao, một số đơn vị đã trình sớm so với kế hoạch, đáp ứng đòi hỏi của thực tế. Do đó, các cơ quan đã trình Bộ theo đúng kế hoạch 10/10 văn bản, đạt 100% kế hoạch. Chính phủ cũng đã ban hành 1 văn bản do Bộ GTVT trình là Nghị định số 14/2015/NĐ-CP ngày 13/2/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Bên cạnh đó, các cơ quan soạn thảo cũng đã trình Bộ trưởng ký ban thành 2 Thông tư; trình Bộ 3/3 dự thảo Thông tư; trình 27/27 dự thảo Đề cương chi tiết (đạt 100% kế hoạch).

“Trong tháng 3/2015, các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành việc xây dựng 27 văn bản, trong đó có 26 văn bản và 1 Thông tư quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Cục Hàng hải chủ trì soạn thảo đã trình Bộ sớm so với kế hoạch và Vụ Tài chính đang tổng hợp ý kiến các cơ quan”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga nhấn mạnh.

Kết luận về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị phải bám vào Kế hoạch, đề án để triển khai nhiệm vụ cụ thể. Khi văn bản đi vào cuộc sống phải quan tâm lưu ý đến phản hồi của người dân và các phát sinh từ thực tế để điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó phải lưu ý nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

“Trong lúc toàn Ngành đang thực hiện xã hội hoá mạnh mẽ, do đó phải lưu ý rà soát các văn bản liên quan đến các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.  Việc xây dựng các đề án không vì số lượng mà phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn”, Bộ trưởng yêu cầu.

Các đề án đều được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch

Báo cáo tình hình xây dựng và phê duyệt các đề án chiến lược, quy hoạch đề án khác 2 tháng đầu năm, kế hoạch tháng 3/2015 và tình hình thực hiện các đề án đã được phê duyệt năm 2014, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Thị Kiều Nguyệt cho biết, nhìn chung các Đề án đều được triển khai thực hiện nghiêm túc, hầu hết các nhiệm vụ được thực hiện đúng tiến độ.

Cụ thể, năm 2014, có tổng số 48 đề án được phê duyệt bao gồm 8 đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 40 đề án được Bộ trưởng phê duyệt. Trong các đề án được phê duyệt, ngoài những nhiệm vụ mang tính chỉ đạo chung đều đang được các cơ quan, đơn vị áp dụng và thực hiện thường xuyên. Văn phòng Bộ đã thống kê các nhiệm vụ cụ thể được giao các cơ quan, đơn vị thực hiện. Theo đó, có tổng số146 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các cơ quan, đơn vị có 74 nhiệm vụ xác định thời hạn phải thực hiện trong giai đoạn 2014-2015 và 72 nhiệm vụ phải thực hiện nhưng không xác định thời hạn cụ thể.

Về tình hình xây dựng phê duyệt đề án 2 tháng đầu năm 2015, theo Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Thị Kiều Nguyệt, không có đề án nào Bộ phải trình Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ 1 Đề án ngoài chương trình là Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không Vinh thành cảng hàng không quốc tế giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn sau 2030 do Cục Hàng không VN chủ trì soạn thảo.

Theo chương trình công tác tháng 3/2015, có Đề án Sắp xếp lại các tổ chức báo, tạp chí của Bộ, Tổng cục, các Cục và các doanh nghiệp thuộc Bộ (trừ TCT Hàng không VN) do Báo Giao thông chủ trì soạn thảo phải trình Bộ trưởng phê duyệt và 3 đề án khác do các cơ quan chủ trì soạn thảo. Cụ thể là Đề án Quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; Chương trình và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm vốn ODA, FDI và vốn đầu tư theo hình thức PPP) vào Ngành GTVT; Điều chỉnh quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Kết luận về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các đơn vị đôn đốc triển khai thực hiện. Yêu cầu, các Cục, Vụ, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đề án phải có báo cáo cụ thể tiến độ thực hiện nhiệm vụ, đề án.

8 dự án trên QL1 chưa đạt tiến độ

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hoá – Cần Thơ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Trần Xuân Sanh cho biết toàn bộ dự án đạt 47,3% giá trị sản lượng, trong đó các dự án TPCP đạt gần 60% toàn dự án. Các dự án BOT mới xấp xỉ đạt được 38% toàn dự án.

 

QL1A đoạn tránh kênh Nhà Lê (Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An)

 

Ông Sanh cho biết tính đến hiện tại đã có 7 dự án đoạn Thanh Hoá – Hà Tĩnh và 1 dự án Phan Thiết – Đồng Nai đã được đưa vào khai thác. 30 dự án khác đang triển khai thi công. Trong 14 dự án TPCP đang tiếp tục triển khai thi công, ông Sanh cho biết chỉ có 2 dự án chưa đạt yêu cầu về tiến độ là 2 đoạn qua Phú Yên và Bình Thuận. Đối với các dự án BOT, ông Sanh liệt kê tới 6/16 dự án tiến độ thi công còn chậm, gồm các đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế, Dự án thành phần 2 Quảng Nam, Bắc Bình Định, Nam Bình Định, hầm đường bộ Đèo Cả và đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp.

“Hầu hết các dự án đang thi công móng đường, khối lượng đạt từ 80 – 90%. Nhiều đoạn đã thi công được hơn 50% khối lượng mặt đường bê tông nhựa. Tuy nhiên, có một số dự án tiến độ vẫn còn chậm, khối lượng thi công móng đường đến thời điểm hiện tại chỉ đạt dưới 10% như đoạn BOT Bắc Bình Định – Nam Bình Định” – ông Sanh nhận định.

Tại Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Cục trưởng Trần Xuân Sanh cho biết tất cả các dự án cả TPCP và BOT đều đạt tiến độ yêu cầu. Do thời tiết khu vực Tây Nguyên đang thuận lợi, các dự án đang thi công thảm bê tông nhựa.

Kết luận chỉ đạo đối với dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Theo nghị quyết Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, phải cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2015. “Điều này có nghĩa là chỉ còn 10 tháng để thi công. Nếu trừ tiếp những tháng thời tiết xấu như tại khu vực Tây Nguyên thì thời gian thi công chỉ còn 5 – 6 tháng. Nếu không quyết liệt, chắc chắn không xong được. Đặc biệt với đoạn qua Bình Định – Phú Yên” – Bộ trưởng nói.

Không quản lý dự án BOT, BT, PPP theo tư duy cũ

Thống kê cho thấy, Bộ GTVT hiện đang quản lý tới 54 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư lên tới hơn 168 nghìn tỷ đồng. Trong số này có tới 47 dự án đường bộ với tổng mức đầu tư hơn 160 nghìn tỷ đồng, gồm 41 dự án BOT, 6 dự án BT.

Báo cáo tiến độ các dự án này, ông Sanh cho biết hiện vẫn còn một số dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT), thời gian giải quyết bị kéo dài do nhà đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư ra ngoài DN, cam kết cấp vốn của tổ chức tín dụng (Dự án Thái Nguyên – Chợ Mới)… “Việc chậm được cấp GCNĐT sẽ ảnh hưởng đến tiến độ ký kết hợp đồng chính thức, tiến độ huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tiến độ thi công dự án” – ông Sanh nói.

Cũng theo ông Sanh, một số nhà đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ vốn góp chủ sở hữu theo cam kết dẫn đến tiến độ chậm, điển hình như Dự án BT La Sơn – Tuý Loan, cầu Thái Hà, QL20 Bảo Lộc – Lâm Đồng… Nguồn cung cấp vật liệu khan hiếm và không đảm bảo chất lượng, nhà đầu tư tổ chức quản lý tại công trường thiếu chuyên nghiệp, chưa huy động đầy đủ năng lực phục vụ thi công theo tiến độ; Công tác phối hợp với các Ban QLDA và các cơ quan chức năng ở địa phương chưa tốt… cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số dự án (như BOT QL1 Khánh Hoà, BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, BOT Bắc Nam Bình Định)…

Khẳng định Bộ GTVT luôn hoan nghênh các nhà đầu tư BOT tham gia các dự án, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để đây thành chỗ mua đi bán lại dự án.

“Cục QLXD phải tập huấn lại các BQL dự án về việc quản lý dự án BOT. Với chi phí như vậy, nhiệm vụ của BQL DA là gì? Xu hướng thời gian sẽ sử dụng các nguồn vốn này là chính. Vốn ngân sách rất hãn hữu” – Bộ trưởng chỉ đạo.

Ngay trong tháng 3, Bộ trưởng yêu cầu có báo cáo tình hình triển khai thực hiện từng dự án, thủ tục pháp lý như thế nào, vốn chủ sở hữu đóng góp thế nào? Tiến độ ra sao? Đề xuất kiến nghị thay thế những nhà đầu tư nào?...

Cũng tại cuộc họp Ban Cán sự đảng Bộ GTVT chiều nay, Tổng Giám đốc Ban QLDA 6 Phạm Tuấn Anh cũng báo cáo và xin ý kiến Ban Cán sự về danh mục các cầu yếu dự kiến bổ sung vào Dự án Tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần 2.

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Ban QLDA 6 lựa chọn danh mục các cầu để sử dụng nguồn vốn dư trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT tại các thông báo của Bộ, đề xuất của các địa phương và văn bản của Tổng cục ĐBVN về việc rà soát danh muc các cần hạn chế tải trọng cần nâng cấp cải tạo trên các quốc lộ.

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đồng chí thành viên Ban cán sự, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN…, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban QLDA 6 rà soát lại một lần nữa các cầu yếu, đảm bảo tiết kiệm, đúng mục đích, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của bà con khu vực làm cầu.

“Toàn bộ các cầu đã có một đơn nguyên, còn sử dụng được hoặc nhóm các cầu địa phương mới đề nghị lên thì tạm thời chưa tiến hành khảo sát, thi công, để tiền lại ưu tiên xây các cầu tại khu vực bến phà, nhiều hộ dân cần qua lại, đảm bảo an toàn cho bà con lưu thông, sinh hoạt khi mùa lũ đang đến gần”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây