Công tác quản lý Nhà nước và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ hai - 14/04/2014 13:00. Xem: 153
Trong hai ngày 10 - 11/4/2014, đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải do đồng chí Đinh La Thăng, UVBCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT làm trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh và một số đơn vị cảng biển, đóng tàu trên địa bàn và thành phố Hải Phòng. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Đỗ Nga Việt, UVBCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, UV Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam; đồng chí Kiều Anh Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các Vụ, Ban, Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ và các phóng viên Báo, Đài Trung ương, địa phương đến tham dự và đưa tin.

 

 

  alt

Đ/c Đinh La Thăng, UVBCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT cùng đoàn công tác làm việc tại Quảng Ninh

 

Tại Quảng Ninh, đón tiếp và làm việc với đoàn công tác, có đồng chí Phạm Minh Chính, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành trực thuộc tỉnh cùng tham dự.

 

alt

Đ/c Phạm Minh Chính, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

 

alt

Đ/c Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tại buổi làm việc 

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã báo cáo, trong năm 2013 Quảng Ninh đã hoàn thành nâng cấp 42km đường Quốc lộ 18C, 62,5km tỉnh lộ đã chủ động phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công 30km nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long; Quảng Ninh cũng đã đẩy mạnh giải quyết thủ tục, kêu gọi, xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, sân bay Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đường dẫn cầu Bắc Luân II và một số dự án trọng điểm khác. Đặc biệt, năm 2014 với chủ đề “Tăng cường quản lý hoạt động vận tải và siết chặt kiểm soát tải trọng xe”, Lãnh đạo Tỉnh đã chỉ đạo Ngành GTVT, Ban ATGT, Công an và chính quyền địa phương các cấp tăng cường, siết chặt quản lý vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe tải, hoàn thành Đề án quản lý tàu khách thăm Vịnh Hạ Long, phương án quản lý khách tại các bến cảng, tăng cường quản lý phương tiện thủy nội địa; tỉnh cũng tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc các phương tiện vận tải chở quá tải, quá số lượng hành khách, dừng đỗ không đúng quy định. Trong năm 2013, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh ủy cũng cho biết thêm, liên quan đến các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông, tỉnh ưu tiên số 1 là đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. “Đây là nút thắt của Quảng Ninh và vùng tam giác kinh tế, từ Hà Nội đi Hạ Long hiện chỉ có Quốc lộ 18, từ Hải Phòng đi sang thì xa trong khi đó Quốc lộ10 lại đang quá tải”. Các dự án khác cũng đang được Quảng Ninh đề xuất tập trung gồm Dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, đường dẫn và cầu Bắc Luân II, Dự án mở rộng Quốc lộ 18 các đoạn Uông Bí - Hạ Long, Bắc Ninh - Uông Bí, Quang Hanh - Cẩm Phả, Quốc lộ 4B đoạn Lạng Sơn - Mũi Chùa… Ông Phạm Minh Chính cũng cho biết thêm: Sân bay Vân Đồn cũng được coi là điểm đột phá để phát triển kinh tế, du lịch, phát triển khu kinh tế Vân Đồn.

Cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn của tỉnh, đồng chí Đinh La Thăng Bộ trưởng Bộ GTVT về cơ bản đồng tình với đề xuất của tỉnh Quảng Ninh liên quan đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phân cấp triệt để cho địa phương chủ động lập dự án, kêu gọi nhà đầu tư, việc để địa phương làm chủ đầu tư các dự án chắc chắn sẽ thuận lợi hơn về nhiều mặt trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn lực, vật liệu, giá thành. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vốn đầu tư bị ảnh hưởng, không thể trông chờ vào vốn ngân sách Nhà nước, cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa ngoài ngân sách. Đối với dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Bộ trưởng cho biết, đây là dự án cần thiết, Bộ cam kết sẽ phối hợp với tỉnh làm việc với các cơ quan liên quan, đối tác, nhà đầu tư để triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên, cần phải rà soát lại tổng mức đầu tư, quy mô kết cấu, chất lượng công trình sao cho hợp lý, đảm bảo đúng nguồn vốn, đúng tiến độ. Với dự án đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, Bộ trưởng cũng đồng tình sớm triển khai nhưng cần phân kỳ đầu tư, chia thành các dự án nhỏ, việc giải phóng mặt bằng vẫn thực hiện theo quy hoạch nhưng trước mắt chỉ đầu tư trước 2 làn xe như nhiều dự án khác. Đồng chí Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh trong quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý vận tải, kiểm soát tải trọng, chất lượng công tác đăng kiểm. Đề nghị Sở GTVT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, phát hiện xử lý kịp thời những  trường hợp vi phạm, tuyệt đối không đưa xe không đủ điều kiện vào lưu thông gây ảnh hưởng đến an toàn khi tham gia giao thông.


Lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay 
Kết thúc buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đoàn công tác đã thăm và làm việc tại một số đơn vị: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh; tại Hải Phòng đoàn đã thăm và làm việc với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng, Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng, Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm. 
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013, kế hoạch năm 2014, công tác tái cơ cấu của đơn vị trong thời gian qua; kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp và đặc biệt là các vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ, đề nghị sớm có hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn của đại diện các cơ quan tham mưu, chức năng của Bộ, kiến nghị kịp thời những khó khăn cần khắc phục trong sản xuất kinh doanh.
Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long
Đồng chí Tổng giám đốc Nguyễn Tuấn Anh cho biết, năm 2013, giá trị sản lượng của Công ty đạt hơn 1.338 tỷ đồng, đạt 100,56% kế hoạch, doanh thu đạt hơn 1.449 tỷ đồng, đạt 99,83% kế hoạch. Cũng trong năm 2013, Công ty cũng đã bàn giao 2 tàu hàng rời 53.000 tấn; 1tàu container 1.800TEU; triển khai thi công 2 tàu kiểm ngư năm 2014; triển khai thi công 4 tàu kéo ATD 2412... Công ty đặt ra mục tiêu đạt giá trị sản lượng hơn 890 tỷ đồng, doanh thu đạt hơn 1.385 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4,8 triệu đồng/người/tháng. Công ty cũng đã triển khai quy trình và thực hiện cắt giảm lao động đợt 1 và đã hoàn thành chốt sổ BHXH cho 1.090 người; hoàn thành việc chi trả tạm ứng 70% tiền trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động với số tiền là 21,45 tỷ đồng, thực hiện phương án cổ phần hóa một cách rõ ràng, có thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, đến 30/9/2014 sẽ hoàn thành việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.

 

alt

Đoàn công tác đi kiểm tra Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long

 


Tại Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh
Đồng chí Bùi Quang Đạo, Tổng Giám đốc đã báo cáo, năm 2013, kinh tế còn khó khăn, sản lượng hàng hóa thông qua bị ảnh hưởng, Công ty đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, duy trì thu nhập bình quân tháng đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2014, sắp xếp lại cơ cấu lao động, mô hình tổ chức, triển khai công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, dự kiến tháng 7/2014 Cảng Quảng Ninh chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần. Lãnh đạo Cảng cũng kiến nghị Bộ GTVT bố trí vốn duy tu, nạo vét, cải tạo nâng cấp vùng quay tàu đường kính từ 350m - 450m đảm bảo cho việc thu hút khai thác tàu cỡ lớn.

 

 

alt



alt

Đoàn công tác làm việc tại Cảng Quảng Ninh


Tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng
Đồng chí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Nguyễn Quang Thăng cho biết: Trong bối cảnh thị trường đóng tàu và sửa chữa tàu còn khó khăn, Tổng công ty đã mạnh dạn chuyển hướng sang lĩnh vực gia công kết cấu thép, tiến hành lựa chọn, tính toán để làm những gói thầu phù hợp với phương án kinh doanh khả thi bù đắp được chi phí, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Công tác cổ phần hóa thời gian dự kiến từ tháng 4/2014 - 5/2015.

 

alt

 


alt

Đ/c Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng phát biểu tại buổi làm việc với TCT Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng


Tại Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng

Đồng chí Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Việt báo cáo cho biết Cảng Hải Phòng hiện đang sử dụng hơn 300 thiết bị xếp dỡ chuyên dùng và đa năng như cần cẩu nổi, cần trục giàn, cần trục chân đế, cần cẩu giàn RTG, nâng hàng, xe vận chuyển container v.v..., tổng số CBCNV là 3828 người, ngoài ra cảng thuê các công ty dịch vụ lao động 900 người, sản xuất kinh doanh phát triển thu nhập bình quân cán bộ CNV liên tục tăng, năm 2013 đạt bình quân 10,7 triệu đông/người/tháng. Cảng Hải Phòng đã phát triển, tăng giá trị tài sản từ 800 tỷ đồng lên 2000 tỷ đồng, với cơ sở vật chất hiện nay, Cảng đang giữ vị trí là cảng lớn nhất tại khu vực phía Bắc. Từ tháng 7/2014, Cảng Hải Phòng sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần.

 

alt

Đoàn công tác kiểm tra và làm việc tại Cảng Hải Phòng

 


Tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng
Đồng chí Tổng Giám đốc Trương Hoàng Cao cho biết, trong năm 2013, Tổng công ty đạt doanh thu gần 175 tỷ đồng, thu nhập bình quân tại công ty mẹ là 3,4 triệu đồng/người/tháng. Trên cơ sở kế hoạch sản phẩm năm, dự kiến năm 2014, toàn Tổng công ty đạt doanh thu hơn 171 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân của người lao động lên 4 triệu đồng/người/tháng. Công tác cổ phần hóa hoàn tất vào tháng 12/2014.

 

alt

Đoàn công tác kiểm tra và làm việc tại TCT Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng

 


Tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm
Đồng chí Tổng Giám đốc Phạm Mạnh Hà cho biết, năm 2014, dự kiến giá trị tổng sản lượng đạt 1900 tỷ đồng, trong đó sẽ đóng mới 34 sản phẩm, sửa chữa 10 sản phẩm, thu nhập bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiếp tục tái cơ cấu, sau bước đầu tiếp nhận tài sản của Công ty Bến Kiền, Sông Cấm đã tiến hành các thủ tục pháp lý thành lập Chi nhánh Nhà máy Đóng tàu Bến Kiền hạch toán phụ thuộc, mặt khác thu gọn các đầu mối bộ phận hành chính, giảm dần lực lực lượng gián tiếp không cần thiết. Phát biểu tại buổi làm việc ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Chi nhánh Bến Kiền - Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho biết, Công ty cũng bố trí đủ việc làm cho toàn bộ CBCNV ngay sau khi tiếp nhận, kể từ khi chuyển giao, người lao động của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Kiền cũ, Chi nhánh Bến Kiền đã liên tục làm việc với cường độ cao, không có tình trạng chờ việc, nghỉ việc. Từ chỗ không có việc làm, thu nhập của người lao động tại Chi nhánh đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng, các điều kiện làm việc, chế độ, chính sách đối với người lao động tại Chi nhánh được áp dụng như tại Công ty. Đời sống của người lao động Bến Kiền bắt đầu được nâng cao.

 

alt



alt

Đ/c Bộ trưởng và đoàn công tác kiểm tra và làm việc tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm
 

Sau khi kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, tại các buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh các đơn vị đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong điều kiện kinh tế hiện nay, đặc biệt là thị trường vận tải biển và hoạt động đóng tàu chưa hồi phục, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, trong đó có Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, các TCT Bạch Đằng, Phà Rừng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có Cảng Quảng Ninh, Cảng Hải Phòng và một số đơn vị khác trực thuộc đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định chủ trương tái cơ cấu hiện nay của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn để xây dựng, ổn định và phát triển ngành đóng tàu, phục vụ ngành kinh tế biển của đất nước. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, tập trung phát triển thị trường, sản phẩm, mẫu mã mới, sắp xếp lại cơ cấu đơn vị, không nên chạy theo số lượng sản phẩm mà phải tập trung để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có lãi; Lãnh đạo các đơn vị cần cố gắng hơn trong việc chăm lo đến đời sống, việc làm cho người lao động, giải quyết tối đa chế độ cho người lao động. Bộ trưởng cũng đề nghị Vụ Đổi mới Doanh nghiệp trực thuộc Văn phòng Chính phủ và Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan ban ngành cần sâu sát hơn nữa, phân công cán bộ cụ thể để đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, tìm kiếm việc làm, tạo điều kiện tối đa trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng cũng đồng tình với nhiều kiến nghị của đơn vị. Để giải quyết các kiến nghị này, Bộ trưởng giao Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT tập hợp kiến nghị của SBIC, Vinalines để Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ cho đóng tàu Hạ Long, Bạch Đằng nói riêng và các đơn vị đóng tàu, hàng hải nói chung nhằm nhanh chóng thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu các đơn vị này theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng quan tâm, hỗ trợ hơn nữa cho các đơn vị đóng tàu, cảng biển đóng trên địa bàn trong việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động và các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đóng tàu, cảng biển cũng phải có trách nhiệm báo cáo thường xuyên về tình hình hoạt động cũng như các vướng mắc phát sinh của đơn vị mình với lãnh đạo địa phương, từ đó tạo sự gắn kết giữa đơn vị với địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu toàn diện.

 

Nguồn: congdoangtvt.org.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây