Việt Nam, sau 20 năm đổi mới, đã thu được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa bền vững, đất nước vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, thậm chí hủy hoại và lãng phí tài nguyên thiên nhiên, lãng phí nguồn lực. Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh (1393/ QĐ-TTg ngày 25/9/2012) nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
TĂNG TRƯỞNG XANH Ở VIỆT NAM
Tăng trưởng xanh ở Việt nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng là: i) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. ii) Xanh hóa sản xuất. Thực hiện một chiến lược "công nghiệp hóa sạch" thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GTVT VỚI TĂNG TRƯỞNG XANH
Viện KHCN với gần 60 năm xây dựng và phát triển, là đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đầu ngành của Bộ GTVT, trước xu thế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh tiến tới phát triển bền vững cũng đã từng bước tiếp cận, định hướng nghiên cứu, đào tạo trong đội ngũ cán bộ của Viện. Cụ thể:
a) Giáo dục và đào tạo
Giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) có vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng cơ sở khoa học cho các hoạt động xanh, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân và xây dựng năng lực, đào tạo nguồn nhân lực xanh.
Xác định như vậy Viện đã chủ động phát động phong trào nghiên cứu khoa học theo hướng tăng trưởng xanh ngành GTVT với các nội dụng chính:
(i) Nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh: Xây dựng và triển khai “Chiến lược Truyền thông tăng trưởng xanh” để nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, để mọi người đều ý thức được trách nhiệm cộng đồng phát triển bề vững, có những lựa chọn xanh ảnh hưởng đến ngành GTVT.
Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về tăng trưởng xanh; Thúc đẩy phong trào “doanh nghiệp phát triển bền vững” và nâng cao năng lực và thị trường dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và quản lý phục vụ tăng trưởng xanh.
(ii) Đào tạo nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh: Cần thiết phải có những chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng để chuẩn bị lực lượng lao động và quản lý cho một quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Theo đó, cũng phải xanh hóa dần toàn bộ các chương trình, giáo trình đào tạo nguồn nhân lực theo những nguyên lý và nhu cầu phát triển bền vững.
b) Nghiên cứu áp dụng tiến bộ KHCN theo hướng tăng trưởng xanh: Khoa học công nghệ luôn là vấn đề mấu chốt của sự phát triển. Tăng trưởng xanh nhất thiết phải có công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh. Trong hoạt động xây dựng công trình GTVT, được sự chỉ đạo của Bộ, Viện đã và đang thực hiện nghiên cứu đánh giá công nghệ cào bóc tái chế nguội mặt đường cho QL5. Đây là công nghệ tiên tiến tận dụng được tối đa vật liệu cũ giúp giảm giá thành xây dựng, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo xử vệ môi trường. Trong lĩnh vực phát triển hệ thống giao thông với công nghệ, kỹ thuật hiện đại Viện đã nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu về hệ thống giao thông thông minh ITS. Trong lĩnh vực vật liệu, Viện cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm nhiều loại vật liệu mới áp dụng trong hoạt động xây dựng GTVT như vật liệu polyme compozit chịu khí hậu nhiệt đới trong công nghệ gia cố cầu; vật liệu kết dính sửa chữa gốc Polymer Epoxy 3 thành phần (PEX); xử lý chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông đường bộ... Tuy nhiên để phát triển theo hướng khoa học công nghệ tăng trưởng xanh, Viện KHCN GTVT cần thiết phải được đầu tư trong công tác nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là các nghiên cứu về năng lượng và tiết kiệm năng lượng, về tái chế rác thải xây dựng công trình giao thông, về quản lý giao thông đô thị, về sản xuất sạch hơn...
KẾT LUẬN
Tăng trưởng xanh - con đường phát triển bề vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành mô hình phát triển tiên tiến được nhiều nước trên thế giới hướng tới và coi đây là một trong những giải pháp giúp chúng ta thoát khỏi khỏi tinh trang suy thoái hiện nay. Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Ngành GTVT bên cạnh những khó khăn thách thức nhất định, chúng ta cũng có nhiều cơ hội thuận lợi để thực hiện Chiến lược và hội nhập với nền kinh tế xanh của thế giới. Xây dựng cơ sở khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cho tăng trưởng xanh vừa là nhiêm vu quan trọng nhưng cũng vừa là một cơ hội cho Viện KHCN GTVT, và đấy cũng chính là sứ mệnh vẻ vang cho các nghiên cứu viên cũng như các nhà khoa học của Viện chúng ta.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện