Phối cảnh nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai)
Lãnh đạo ACV đánh giá: Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn I) là dự án quan trọng Quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến, sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.
Công trình nhà ga hành khách (Gói thầu 5.10) có giá trị lên đến hơn 35 nghìn tỷ đồng, thời gian thi công nhà thầu đề xuất 39 tháng. Đây được đánh giá là gói thầu có giá trị lớn và có tính chất phức tạp nhất hiện nay. Nhà ga hành khách lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh.
Điểm nhấn của nhà ga là khu vực bố trí ô lấy sáng trung tâm (tại khu vực làm thủ tục hàng không) và ô thông tầng cảnh quan trung tâm nhà ga (từ lầu 3 xuống lầu 1) - nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn, kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên ô lấy sáng chiếu xuống sẽ làm cho hành khách cảm thấy thoải mái, như hòa vào thiên nhiên tại khu vực này.
Nhà ga được thiết kế với hai cao trình đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn gần 376.500m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay Code C, E, F.
“Nhà ga được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, bảo đảm độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không; áp dụng các loại vật liệu bao che bảo đảm tiết kiệm năng lượng cho nhà ga, thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, việc lựa chọn đơn vị thi công có năng lực kinh nghiệm đã từng thi công các công trình sân bay lớn trên thế giới là hết sức quan trọng, được ACV đặt lên hàng đầu”, đại diện lãnh đạo ACV cho biết.
Các công trình sân đường khu bay và hạ tầng giao thông đi kèm (gói thầu số 4.6) có dự toán được phê duyệt hơn 7.308 tỷ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Đây là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của “đại công trình” sân bay Long Thành đến thời điểm hiện tại.
Đây được đánh giá là gói thầu quan trọng của dự án, liên quan trực tiếp tới hoạt động bay an toàn, hiệu quả nên yếu tố tỷ mỉ, chính xác về mặt kỹ thuật được đặt lên hàng đầu. Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân nhất hiện nay cũng được áp dụng vào công trình này để xây dựng sân bay Long Thành hiện đại, thông minh, sánh ngang với các sân bay lớn cùng quy mô trên thế giới.
Theo đó, quy mô gói thầu 4.6 gồm các hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 45m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3ha; cùng với 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4ha.
Gói thầu cũng bao gồm các hạng mục hạ tầng giao thông đi kèm như: hệ thống đường công vụ khu bay có tổng chiều dài gần 30km; hệ thống thoát nước mưa khu bay; hệ thống đèn hiệu sân bay (AGL); hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay (AFL), hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác - ILS/DME đạt tiêu chuẩn CAT II; hạng mục băng ống và hố ga để lắp đặt cáp cho hệ thống cấp điện nguồn và ICT...
Thời gian qua, ACV đã phối hợp hiệu quả với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong giải phóng mặt bằng, cơ bản đáp ứng mặt bằng sạch và hoàn thành san nền cho khu vực thi công, bảo đảm tiêu chuẩn về độ chặt để bàn giao cho các nhà thầu thi công 2 gói thầu.
Một đại công trường nhộn nhịp với các hạng mục đồng loạt triển khai đang dần hiện hữu là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực của ACV trong thời gian qua, đánh dấu bước tiến lịch sử của chủ đầu tư ACV trong công cuộc chinh phục dự án quy mô lớn của Quốc gia.
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 1 trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất nước ta, có vai trò là cảng hàng không trung tâm. Hiện nay, Tân Sơn Nhất đang khai thác 1 nhà ga hành khách quốc tế và một nhà ga hành khách quốc nội.
Nhà ga hành khách quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế 15 triệu hành khách/năm, hiện sản lượng đạt hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so công suất thiết kế.
Vì vậy, tình trạng ùn tắc trong nhà ga và hệ thống đường giao thông kết nối thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho hành khách và người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Dự kiến, vào năm 2024, Nhà ga quốc nội sẽ quá tải gấp hơn 2 lần. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trong những năm tới, đặc biệt là phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc đầu tư xây dựng một nhà ga hành khách quốc nội mới tại sân bay Tân Sơn Nhất là hết sức cần thiết và cấp bách.
Theo phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông vận tải, ACV đã triển khai chuẩn bị đầu tư dự án, hoàn thành thi công móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình, đủ điều kiện triển khai khởi công hạng mục quan trọng nhất của dự án: Xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3, Tân Sơn Nhất.
Công trình gồm 3 hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (70%) và vốn vay thương mại (30%).
Hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2.
Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check-in, 27 cửa ra tàu bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.
Đặc biệt, Nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.
Hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 2 tầng hầm chung, 2 khối phức hợp thương mại văn phòng 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng (bao gồm 2 tầng hầm) là 130 nghìn m2. Hệ thống đường tầng trên cao ở 2 cao trình nhà ga gồm: tầng 2 có quy mô từ 2-3 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m; tầng 3 có quy mô từ 2-5 làn xe, rộng mỗi làn 3,5m.
Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Gói thầu “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3” dự kiến sẽ được thi công trong 20 tháng (600 ngày), và hoàn thành, chạy thử vào đầu quý II/2025.
Nguồn: Báo Nhân dân
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện