Theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong năm 2021, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 văn bản nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ khuyến khích chuyển giao; đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả phát triển trí tuệ nhân tạo trong tất cả các ngành, lĩnh vực; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước; hoàn thiện các quy định về nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, Bộ tập trung rà soát các tồn tại, hạn chế của pháp luật để khắc phục, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19; rà soát, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh và đời sống xã hội.
Bộ đã phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 05/8/2021: (1) Rà soát, xây dựng các Khung chương trình và Thuyết minh chương trình trọng điểm cấp quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Bộ; phê duyệt và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt một số chương trình KH&CN đặc biệt cấp quốc gia; (2) Tập trung nghiên cứu, sửa đổi 08 Thông tư quản lý; phối hợp, đề xuất với Bộ Tài chính sửa đổi các Thông tư quản lý tài chính đối với các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN ở tất cả các cấp; chấp nhận rủi ro trong khoa học.
Việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và hoạt động KH&CN tại các bộ/ngành, địa phương cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tốt.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học cho việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Tổ chức đánh giá nghiệm thu Đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”; rà soát, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về các nội dung của Bộ Quốc sử để hoàn thiện, công bố, công khai kết quả Đề án trong Quý II/2022. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, tiếp tục có đóng góp thiết thực cho việc tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, đảm bảo cảnh báo sớm và đủ độ chi tiết đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các chương trình phát triển khoa học cơ bản (Chương trình trọng điểm phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030; Chương trình phát triển Vật lý giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển các khoa học cơ bản về hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển) tập trung triển khai các nghiên cứu, phát triển các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2021, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng 2,5% so với năm 2020. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ và ứng dụng KH&CN trong toàn bộ các khâu của chuỗi sản xuất từ giống, quy trình canh tác, bảo quản, chế biến. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sau khi áp dụng đã nâng cao hiệu quả của sản xuất tối thiểu từ 10-15%, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất; sản phẩm nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất bền vững với môi trường. Trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào việc xây dựng những định hướng ưu tiên lớn gắn với phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, nền tảng, công nghiệp công nghệ cao nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng, tận dụng một cách hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh, trở thành giải pháp cấp bách, có tính sống còn để giúp mỗi đơn vị vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19. Trong lĩnh vực y tế, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước phòng Covid-19, thuốc điều trị Covid-19; robot hỗ trợ y tế; hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc-xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu đột biến gen của SARS-CoV-2 tại Việt Nam phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, một số ngân hàng thương mại đã có những bước đi cụ thể triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ 4.0 như công nghệ khối chuỗi, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, tự động hóa (robotic), dữ liệu lớn... Nhiều ngân hàng thương mại đã xây dựng định hướng chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng số, từng bước chuyển đổi để cung cấp các dịch vụ ngân hàng số đến cho khách hàng và số hóa các hoạt động, quy trình quản lý nội bộ. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được tập trung đầu tư phát triển, bảo đảm kết nối liên thông giữa các ngành, vùng; đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, xây dựng nền tảng chính quyền điện tử tại địa phương dựa trên phương thức tiếp cận mới hình thành hệ sinh thái số kết nối chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, tổ chức hoạt động nghiên cứu, triển khai thử nghiệm, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong công tác quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tích cực triển khai thử nghiệm các vật liệu mới, công nghệ có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật - môi trường. Trong lĩnh vực quốc phòng, các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đã góp phần quan trọng trong việc chế tạo một số chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới; khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao. Trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, Các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã góp phần phát triển được các công nghệ vệ tinh nhỏ, ứng dụng công nghệ viễn thông, viễn thám, hệ thông tin địa lý và hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu; định hướng nội dung Chiến lược quốc gia về công nghệ vũ trụ cho giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2040.
Toàn cảnh Hội nghị
Các hoạt động khác như phát triển thị trường công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân… đều đạt kết quả tốt, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực của Bộ KH&CN, các nhà khoa học, sự chung tay của các bộ/ngành/địa phương đã từng bước dành sự quan tâm cho KH&CN nhiều hơn, thiết thực hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Về các nhiệm vụ triển khai trong năm tới, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm chính. Thứ nhất, ngành KH&CN phải có cơ chế mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như là một bộ phận trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Thứ hai, Bộ KH&CN cần chú trọng phát triển các mô hình nghiên cứu trong trường đại học và doanh nghiệp; chú trọng quy hoạch các cơ sở nghiên cứu khoa học, bao gồm các viện nghiên cứu trong doanh nghiệp, trường đại học, đồng thời tính đến mạng lưới liên kết với các trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài. Thứ ba, quan tâm tới quá trình triển khai thí điểm mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), tháo gỡ các vướng mắc để mô hình này phát triển đúng nghĩa là mô hình mới trong quản trị khoa học và lan toả các kết quả nghiên cứu. Thứ tư, Bộ KH&CN phải tiên phong trong quản lý một cách khoa học, trên cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý khoa học, minh bạch hoá, công khai hoàn toàn các quy trình, tăng cường sự giám sát đồng đẳng trong giới khoa học. Thứ năm, Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đẩy mạnh hoạt động KH&CN gắn với những vấn đề thiết thực ở địa phương, qua đó nâng cao vai trò của các sở KH&CN. Thứ sáu, thúc đẩy hơn nữa các khoa học xã hội, khoa học chính trị với nhiều nghiên cứu lớn đang triển khai, đặc biệt là việc xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam - “Quốc chí”. Thứ bảy, ngành KH&CN phải đẩy mạnh phổ biến tri thức KH&CN cho toàn dân.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định các chỉ đạo của Phó Thủ tướng hôm nay tiếp tục là định hướng quan trọng cho hoạt động của Bộ trong thời gian tới. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã báo cáo Phó Thủ tướng về việc triển khai các nhiệm vụ đã được Phó Thủ tướng giao cho ngành trong thời gian gần đây, liên quan tới các hoạt động: tổ chức rà soát hệ thống các chương trình, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, kết hợp với việc đổi mới cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học; xây dựng chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN; tăng cường hoạt động KH&CN tại các địa phương. Ngoài ra các nội dung trên, Bộ KH&CN cũng đang triển khai các nhiệm vụ khác mà Phó Thủ tướng đã giao, như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN; xây dựng chính sách để các doanh nghiệp tăng cường trích lập quỹ phát triển KH&CN; việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam trong thời kỳ mới…
Trước đó, Bộ KH&CN cũng đã xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, bao gồm:
1. Tập trung triển khai Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch ngành KH&CN giai đoạn 2021-2025.
2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST: (i) Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV; (ii) lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN trình Chính phủ để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023; (iii) đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư, KH&CN để thúc đẩy sự phát triển của KH,CN&ĐMST, đồng thời đồng bộ với quy định của pháp luật về tài chính, đầu tư, mua sắm công và quản lý công chức, viên chức.
3. Quy hoạch toàn bộ hệ thống các tổ chức KH&CN của đất nước, lưu ý đến các tổ chức nghiên cứu thuộc các doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân; đề xuất các chính sách về tự chủ cho các tổ chức KH&CN công lập. Tiếp tục xây dựng cơ chế trọng dụng các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học tài năng, phù hợp với các quy luật của thị trường lao động.
4. Tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng điểm các chương trình KH&CN cấp quốc gia. Xác định rõ những công nghệ trọng điểm cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam; hình thành các đầu bài lớn; đổi mới cách xác định và triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm.
5. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN tại các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off). Tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
6. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
7. Tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu KH&CN của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
8. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách thủ tục hành chính. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý nhiệm vụ KH&CN, công khai, minh bạch để các nhà khoa học và cộng đồng giám sát. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, bảo đảm tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
MN
Nguồn: Bộ khoa học và công nghệ
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện