Chưa có vốn, dự án thi công đình trệ
Được khởi công đầu năm 2016, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là công trình trọng điểm của Bộ GTVT triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án có tổng mức hơn 6.355 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc (200 triệu USD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (1.860 tỷ đồng), dù đã trải qua hơn 3 năm xây dựng nhưng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đã quá nửa năm mà đến nay dự án vẫn chưa được giao kế hoạch vốn năm 2019, khiến tiến độ công trình đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, từ cuối năm 2018, đơn vị đã đăng ký vốn năm 2019 cho dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là 1.200 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ KH&ĐT giao kế hoạch vốn.
“Không có vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công của dự án. Hiện nay, sản lượng toàn công trình mới đạt khoảng 65%, bình quân mỗi gói thầu chậm khoảng 10-15% so với kế hoạch dự kiến. Suốt 8 tháng qua, dự án không có vốn để giải ngân cho các nhà thầu. Hơn nữa, số tiền chủ đầu tư còn đang nợ các nhà thầu khoảng 300 tỷ đồng, nếu tình trạng giao vốn tiếp tục chậm, chắc chắn dự án sẽ không thể hoàn thành vào ngày 31/3/2020”, ông Thi chia sẻ.
Nằm trong 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/7/2018), nhưng đến nay, dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đi xuyên qua 4 tỉnh miền Tây gồm: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau do Ban QLDA7 làm chủ đầu tư cũng đang gặp khó về việc giao vốn để triển khai các công đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA7 cho biết, dự án có tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng, số vốn đăng ký kế hoạch năm 2019 là 295 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ KH&ĐT giao vốn. “Đây là dự án mới, không phải cứ giao kế hoạch là giải ngân được. Theo Luật Đầu tư công, khi có kế hoạch giao vốn, chủ đầu tư mới tổ chức đấu thầu thiết kế, sau đó cắm mốc GPMB, đo đạc, giải thửa và thông báo cho người dân. Hiện nay, Luật Đất đai quy định, đối với đất nông nghiệp phải thông báo trong 90 ngày, đất thổ cư là 180 ngày. Bây giờ, vốn năm 2019 của dự án chưa được giao thì từ giờ đến cuối năm giải ngân kiểu gì?”, ông Khánh chia sẻ.
Triển khai thi công từ đầu tháng 5/2018, tuy nhiên, theo đánh giá của Ban QLDA Thăng Long, dự án ODA xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch và kết quả giải ngân còn thấp. Cụ thể, tính đến ngày 8/7/2019, gói thầu số 1 của dự án mới giải ngân được 415/1.261 tỷ đồng (đạt 32,97%), còn gói thầu số 2 giải ngân được 383/1.044 tỷ đồng (đạt 36,69%).
“Tiến độ dự án đang chậm so với kế hoạch, nguyên nhân do việc chồng lấn công địa thi công giữa hai dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp. Hơn nữa, thủ tục xin cấp phép xe siêu trường, siêu trọng để kéo dầm tại dự án kéo dài và một số hạng mục công trình do điều kiện mặt bằng thay đổi nên phải điều chỉnh thiết kế dẫn đến thủ tục kéo dài”, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết.
Quyết liệt giải ngân hết nguồn vốn kế hoạch
“Tỷ lệ giải ngân cả nước đạt 32%
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân bình quân chung cả nước 6 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 32%, trong đó, Bộ GTVT giải ngân được 4.260 tỷ đồng, tương đương 22,24%.”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT cho biết, tính đến hết tháng 6/2019, Bộ GTVT đã giải ngân được 4.703 tỷ đồng, đạt 24,5% so kế hoạch được giao (19.158 tỷ đồng), thấp hơn so với kế hoạch đã đề ra khoảng 2.032 tỷ đồng. Theo ông Lâm, nguyên nhân dẫn tới kết quả giải ngân thấp do một số dự án ODA (Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, LRAMP), dự án sử dụng ngân sách trong nước (QL91 An Giang), dự án vốn TPCP (QL30, QL57, QL27, Quản Lộ - Phụng Hiệp) chưa được giao hoặc bổ sung kế hoạch vốn năm 2019 nên không giải ngân được theo số dự kiến khoảng 723 tỷ đồng.
Thứ hai, một số đơn vị chủ đầu tư, ban QLDA giải ngân không đạt kế hoạch đề ra khoảng 1.309 tỷ đồng do vướng mắc, chậm trễ trong xử lý quyết toán các dự án đã hoàn thành; vướng mắc thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế trong quá trình thực hiện; vướng mắc GPMB (dự án QL12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, tuyến tránh QL1 đoạn qua TP Tân An, tỉnh Long An, 4 cầu trên QL1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang, tuyến tránh QL1A đoạn qua Đèo Con...); chậm trễ trong triển khai, thi công dự án (dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, QL217 giai đoạn 2...).
Cũng theo ông Lâm, hiện nay, Bộ GTVT còn khoảng 9.754 tỷ đồng chưa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT giao kế hoạch năm 2019 gồm: 3.928 tỷ đồng vốn nước ngoài, 1.268 tỷ đồng vốn trong nước, 2.241 tỷ đồng vốn TPCP, 2.317 tỷ đồng của các dự án do VEC và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Vừa qua, Bộ GTVT đã có các văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên xem xét xử lý riêng về kế hoạch vốn cho Bộ GTVT (không đợi xử lý chung theo đợt cùng các dự án của các bộ, ngành, địa phương khác) để sớm có quyết định giao kế hoạch cho các dự án.
Cụ thể, đối với việc bổ sung kế hoạch 2019 cho các dự án ODA (vốn nước ngoài và vốn đối ứng) và dự án kiên cố hóa QL91 đoạn qua địa phận tỉnh An Giang, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Tương tự, đối với vốn bổ sung vốn TPCP cho một số dự án đường sắt, đường bộ quan trọng cấp bách, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao kế hoạch tổng thể năm 2019 và Bộ KH&ĐT cũng đã ban hành quyết định giao kế hoạch, Bộ GTVT đang khẩn trương làm thủ tục thông báo vốn cho các đơn vị thực hiện.
Ông Lâm cho biết, so với kế hoạch đã đặt ra, trong 6 tháng cuối năm 2019, số vốn còn lại Bộ GTVT phải giải ngân rất lớn, khoảng 21.643 tỷ đồng gồm: Các dự án ODA (9.671 tỷ đồng), các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (7.639 tỷ đồng)… Để đảm bảo giải ngân hết số vốn kế hoạch đề ra, ông Lâm cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư, ban QLDA cần lập lại kế hoạch giải ngân cho 6 tháng cuối năm, đồng thời, có biện pháp, kế hoạch cụ thể để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân bù đủ số kế hoạch đã đăng ký của các tháng trước để đảm bảo giải ngân hết số kế hoạch đã đăng ký.
“Đối với các dự án đang triển khai, đặc biệt là các dự án ODA lớn (12 dự án), 14 dự án đường sắt, đường bộ quan trọng cấp bách, các dự án sử dụng vốn dư QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên (12 dự án), các chủ đầu tư, ban QLDA cần tập trung chỉ đạo quyết liệt tiến độ thi công tại hiện trường, kiên quyết xử lý những nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ thi công, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn cho các nhà thầu, không để dồn thanh toán vào cuối năm…”, ông Lâm thông tin.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện